Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Về nơi đất lành quả ngọt Cao Phong

Nhớ một dạo, nghe cánh lái xe lên Tây Bắc kể rằng, bắt đầu từ dịp chớm sang mùa Hạ, khi xe vừa vượt con dốc Cun hiểm trở qua thị trấn mới Cao Phong, thường bị "lóa mắt" bởi những sạp cam chín vàng hai bên đường.

Có người tò mò dừng xe mua thử một thùng xốp cam thấy quả cam nhỏ, cầm vừa trong lòng bàn tay, bổ ra sắc lại không đỏ hồng như cam sành. Nhưng khi đem về chia cho mấy người hàng xóm, ít hôm sau có người sang tận nhà hỏi giống cam ấy bán ở đâu, đất ấy thế nào. Đất cam Bưng có tiếng từ dạo đó.

Chợt nhớ ra đương mùa cam chín, ngày nắng dịu, chúng tôi lại ngược đường 6 mới tìm về Mường Thàng xưa. Còn nhớ khi tỉnh Hòa Bình chưa dâng nước hồ thủy điện nhấn chìm đoạn quốc lộ 6 qua chợ Bờ, suối Rút, đất Mường Thàng còn xa xôi, huyền bí với câu chuyện về những loài phong lan rừng tuyệt sắc, về những con trăn gió uốn mình trên cây cao.
Dulichgo
Phải đến khi đường 6 mở qua, rồi khi nhà thơ Đinh Đăng Lương, người đã từng viết những câu thơ phiêu diêu khắp bốn xứ Mường (khi đó làm Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh) đề xuất chọn nông trường cam làm thị trấn, người ta mới bắt đầu nhân giống loài cam ấy.

Không vội vào những vườn cam, chúng tôi đi xuôi xuống cầu Bưng ngắm dòng suối cổ lung linh dưới nắng. Chính dòng nước dẫn ra từ những khu rừng vắng trong núi đã bồi tụ nên thứ phù sa độc đáo rồi nảy mầm một giống cam quý.

Hẳn khi xưa, khi những người Việt - Mường đầu tiên can đảm lên vùng đất này, gặp vết mỏ chim rừng khoét một dấu lên trái cam rừng chín đã nhận ra thứ sản vật Trời cho mà đem về thuần hóa thành giống cam nhà. Cành cam theo tay người chiết, ghép, hạt cam theo đất nổi trôi mà lan khắp vùng thành giống cam Bưng nức tiếng.

Theo con đường bê tông, chúng tôi lên những vườn cam của Thu Phong, Xuân phong. Tiếng là đường liên xã nhưng dưới cái nắng Hè chỉ thấy những vườn cam tít tắp mà không thấy bóng người. Nhưng lạ lẫm nhất là khi xe chúng tôi đi qua quả đồi bạt ngàn cam của khu đồi cam mà người dân nơi đây đã đặt tên từ khá lâu.

Những cây cam không cao lớn nhưng trĩu trịt quả. Màu cam vàng xen với lá xanh, làm dịu đi cái nắng gay gắt của ban trưa. Đánh tiếng mãi mới thấy giọng người chủ vườn vang ra từ phía bên trong. Ngay cửa vườn là tấm bạt trải xuống nền đất với những đống cam vàng óng.
Dulichgo
Anh bảo hôm nay là ngày hái cam bán, khách cứ nếm thử, rồi cùng trò chuyện. Anh kể đất này thật lạ, khi xưa có cả những ngôi mộ cổ lớn, người dân sống bằng việc trồng nhiều loại cây nhưng dần dà mới hiểu nó sinh ra là để trồng cam với mía tím.

Những vườn cam ở đây nhìn thích mắt bởi sự ngay ngắn, bởi dấu ấn những bàn tay cần mẫn. Chỉ cần được tản bộ qua những khu vườn miên man sắc vàng ấy đã có cảm giác như đang lạc vào một khu trang trại ở châu Âu.

Cam ở đây không ngọt sắc như cam Bố Hạ, cam xã Đoài mà vẫn giữ được chút vị chua thanh mát và hương vị hoang dã. Ruột cam không chín đỏ mà vàng tươi như lòng đỏ trứng gà sống. Nhưng chính từ sự độc đáo ấy mà cam Bưng nhanh chóng được thực khách ưa thích.

Cam ở đây còn dùng để hấp với cá sông Đà, tạo ra vị ngọt rất lạ. Từng lát cam sắp bên mình cá cùng với rau thơm, hay vắt lấy nước cốt rồi tưới lên trên cá để khi đặt lên bàn tiệc, khách có thể cảm nhận hết vị đậm đà, ngọt ngào.

Đi dưới những tán cây cam, cầm trên tay những trái cam vàng, nghe người làm vườn kể chuyện tháng nào bón thúc, tháng nào tỉa cành, chiết ghép để cho mùa cam ngọt. Cây cam không kén đất nhưng cũng đòi hỏi người làm vườn cần mẫn không thể ngơi nghỉ hay sao nhãng.

Anh bảo cái khó ở đây là để dành những cây cam ngon, hãm cho chúng chín muộn để bán vào dịp Tết Nguyên đán cho bà con bày mâm ngũ quả. Quả cam vừa là sự hội tụ tinh túy của đất vườn, vừa là niềm vui mà người nông dân muốn gửi gắm đi muôn nơi bằng sự ngọt ngào chân thật của thứ quả đã làm nên tên đất Cao Phong.

Cho dù đến cuối năm 2014, những vườn cam ở đây mới nhận chỉ dẫn địa lý của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng giống cam ấy từ lâu đã nức tiếng, theo tay người đến muôn nơi.
Dulichgo
Tép cam mát rượi xua đi cái nóng mùa Hè, lớp vỏ mỏng tang được người ăn tin tưởng giữa thời các loại hoa quả khác ít nhiều bị nghi ngờ về độ an toàn thực phẩm. Anh chủ vườn hái những trái cam chín mọng mời khách và nở nụ cười rất tươi. Phải chăng những mùa cam bội thu đã khiến lòng người ở đây luôn vui vẻ, hồ hở?!

Từ mảnh đất hoang sơ ngày nào giờ đã thành đất lành với bao mùa trái đậu và tạo nên thứ quả ngọt làm say đắm lòng người. Vị ngọt ấy toát lên từ đất hay chính từ những giọt mồ hôi của người nông dân trồng cam cần mẫn ở đất Cao Phong này?

Theo Bùi Việt Phương (Doanh Nhân SG)
Du lịch, GO!

Lên Cao Phong ăn cam tận vườn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét