Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Hà Nội chiều quê

Dòng Hồng Hà (hay gọi là sông Hồng) muôn đời vẫn thế, lúc thì cuồn cuộn, khi lại lặng lẽ chảy giữa mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Bên này sông với các quận nội thành Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... là nơi ồn ào, tấp nập, là miền "đất hứa" của bao người. Bên kia sông vẫn giữ được chút hồn quê với bụi chuối, bãi cỏ, đàn trâu... để cho những ai thèm nhớ quê tìm về, hay người Hà Nội gốc tới trải nghiệm, thư giãn.

Thời còn sinh viên, cứ mỗi khi bắt chuyến tàu tối từ vùng Kinh Bắc ra Hà Nội là một lần tôi chẳng thể nào quên sự hồi hộp khi qua cầu Long Biên trên dòng sông Hồng.

Ở bên kia dòng sông, theo hướng con tàu tiến tới là những tòa cao ốc với ánh đèn, dòng người, tiếng còi xe... Dường như nơi ấy với tôi mới thực sự là thủ đô, là thành phố. Còn ở bên này dòng Hồng Hà với những bờ lau san sát, bãi bồi trải dài cát vàng và con đường ven đê trở vào với những Ngọc Thụy, Cự Khối, Bát Tràng... vẫn chỉ là một Hà Nội làng quê. Cả một vùng đất Long Biên, Gia Lâm ấy tuy tốc độ đô thị hóa nhanh để nhằm đạt tới mục đích "Thành phố đôi bờ sông Hồng", nhưng những gì của hồn làng, hồn quê vẫn còn in đậm.
Dulichgo
Ngày xưa, xa quê lên chốn đô thành, mỗi khi nhớ nhà tôi lại rủ bạn đạp xe từ quận Thanh Xuân đi qua một Hà Nội đông đúc để ra cầu Long Biên rồi sang bên kia dòng Hồng Hà. Lúc đó chưa có cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì nên muốn đi từ nội thành sang mạn Long Biên, Gia Lâm, bọn tôi phải đạp xe qua cây cầu sắt cũ kỹ Long Biên hoặc cầu Chương Dương.

Sang bên kia sông là để những chàng trai trẻ chưa quen với phố phường thoát khỏi cái ngột ngạt, đồng thời cũng để tìm về một hồn quê, hồn làng đồng điệu với quê mình, cho vơi đi nỗi nhớ nhà.

Chúng tôi thích thú với không gian thoáng đãng mênh mông của trời rộng sông dài nên đã khóa xe đạp vào thành cầu Long Biên để lội bộ xuống bãi bồi với bụi chuối, nương ngô, bờ lau, rồi nghịch cát, gập thuyền giấy cho trôi theo dòng nước, như thể những kẻ mười tám đôi mươi thực sự được trở về quê hương, trở về tuổi thơ.

Rồi thời gian thấm thoắt thoi đưa, bạn học mỗi đứa với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tôi cũng vùi mình vào vòng xoáy ấy, dù vẫn đi đi về về qua dòng Hồng Hà, nhưng chẳng bao giờ dừng lại ngắm cảnh hay tạt xuống ven đê, bãi bồi như ngày xưa nữa.

Hơn một thập kỷ nhìn lại, ai đó đã gắn bó với mảnh đất này thấy Hà Nội phát triển nhanh quá. Thế là gã đàn ông (không còn là chàng sinh viên hồn nhiên khi xưa) chợt nhớ ra, rồi vội vã tìm về để xem cái hồn quê ngày xưa ấy còn vương vãi chút nào bên khúc sông vẫn đục ngầu mùa lũ, cạn nước vào những tháng Hè...

Có người bảo Hà Nội nói chung và sông Hồng nói riêng đẹp nhất khi vào Thu. Có lẽ vì thế, nên một buổi chiều đầu Thu nắng nhạt, chẳng hẹn hò ai, lặng lẽ mình tôi tìm về một khúc Hồng Hà.

Xe lăn bánh thật chậm qua cầu Vĩnh Tuy như vô thức, để rồi chợt nhận ra dòng sông Hồng mùa này đúng là đẹp thật. Nước sông trong xanh, phẳng lặng bên bãi cát trắng trải dài miên man. Vài đôi tình nhân xuất hiện từ bao giờ, âu yếm sánh bước bên nhau.

Khi xuống tới ven đê, chợt thấy một đàn trâu hàng trăm con to nhỏ, con thì nhởn nhơ gặm cỏ, con thì lao mình xuống dòng Hồng Hà tắm mát. Còn chàng mục đồng sau khi lùa được đàn trâu tới đúng chỗ ưng ý, lặng lẽ ngồi ngắm dòng nước bình lặng trôi. Nhìn thấy hình ảnh ấy, tôi lại rạo rực nhớ tới quê, tới làng mình.

Từ gầm cầu Vĩnh Tuy men theo một đoạn đê nữa, tôi bắt gặp một vườn nhãn cổ thụ được quây thép gai để làm chuồng nhốt trâu. Qua người dân gần đó tôi mới biết đàn trâu và khu vườn nhãn cổ thụ ở đây chính là điểm chụp ảnh cưới, ảnh dã ngoại của dân thủ đô bên kia sông.

Chiều về trên bãi cỏ, cồn cát, những đôi tình nhân tìm đến càng đông. Những cô gái đủ mốt thời trang tung tăng bên các chàng, lúc thì cười đùa vang trời, khi lại nũng nịu đòi người yêu chụp ảnh. Có nhiều đôi còn thuê một kíp thợ chụp ảnh chuyên nghiệp ghi lại bộ mang hồn quê làm kỷ niệm quãng thời gian yêu nhau.

Những chàng trai, cô gái ấy có thể như bọn tôi ngày xưa, ra đây cho vơi đi nỗi nhớ hoặc đơn thuần chỉ là để thoát khỏi cái ngột ngạt của còi xe, phố phường chật chội. Nhưng dù lý do gì thì các bạn trẻ ấy vẫn may mắn tìm được một chút hồn quê như chúng tôi hơn 10 năm trước - thứ mà tưởng đã vĩnh viễn mất.
Dulichgo
Chiều ấy, tôi gặp một đôi vợ chồng trẻ và cô con gái. Bé tên Mai Anh, nhà ở Đống Đa, rất thích thú khi tận mắt nhìn thấy con thuyền, đàn trâu, vườn nhãn, bụi chuối. Bé cứ liên tục hỏi mẹ về cái này, cái kia. Rồi mỗi lần gặp cái hay, cái lạ, bé lại giục bố bấm máy ảnh để về khoe với bạn bè trên facebook.

Có lẽ sống trong những tòa nhà bốn bề bê tông cốt thép và quanh năm ngập đầu với sách vở, những đứa trẻ đã bị biến thành "gà công nghiệp". Vậy nên có được một chuyến dã ngoại, thăm thú đây đó như gia đình bé Mai Anh thật là thú vị và mỗi chuyến đi như thế chắc sẽ góp phần giữ gìn tuổi thơ hồn nhiên trong những đứa trẻ sinh ra ở phố thị.

Cảnh sắc nhuốm màu đồng quê ngay gần những tòa cao ốc cho người ta chút gì đó thư thái, bình yên. Không chỉ bé gái thích chụp ảnh với trâu, với cỏ cây mà nhiều cô dâu váy trắng muốt, nhiều chàng rể trong những bộ comple sang trọng cũng ngã nghiêng tạo dáng để có bộ ảnh cưới với phông nền thôn dã.

Chiều dần ngả bóng, trên bãi cỏ bao la, những chàng trai với thú đua xe mô hình xuất hiện. Họ bảo ở phố làm gì có chỗ chơi được trò này nên cứ phải ra ven sông cho thoáng đãng.

Bạn, tôi, hay chúng ta cứ thử ngắm và ngẫm xem, chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ với cụ già đội nón lá thong thả buông lưới dưới chân cầu Vĩnh Tuy là cái hồn quê, cái sự bình dị của cuộc sống đã hiện hữu...

Theo Hải Dương (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét