Anh Phương, nhân viên cây xăng tại Yên Minh (Hà Giang) cho biết, tình trạng xe tắc nghẽn diễn ra thường xuyên, kể từ giữa tháng 10 - thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ. Vào 3 ngày cuối tuần, có lúc hàng trăm chiếc xe máy xếp hàng cùng lúc. 6 nhân viên phải làm việc không ngừng nghỉ - việc chưa từng xảy ra trước đây.
"Phần lớn khách đều đổ đầy bình. Có đoàn mua hàng chục lít xăng dự trữ. Trong một ngày, đơn vị phải tiếp xăng 2 lần. Khách phượt Hà Giang chủ yếu bằng xe máy số, và nhiều đoàn xe phân khối lớn. Mỗi đoàn trung bình 4-5 xe, đông lên tới 15-20 xe. Vì thế, chỉ cần 3-4 đoàn dừng là chật kín cây xăng", anh Thanh cho hay.
Giờ cao điểm thường vào sáng sớm, buổi trưa (sau bữa ăn) và chập tối. Đây cũng là thời điểm dân phượt bắt đầu khởi hành hoặc nghỉ giữa chặng. Mặc dù khoảng sân khá rộng, có lúc cây xăng không còn chỗ trống.
Khách du lịch có ý thức trong việc xếp hàng nên nhân viên làm việc khá suôn sẻ. Anh cho biết, cây xăng ở Yên Minh luôn đông khách hơn so với các điểm Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc... bởi đây là điểm nútnghỉ chân của khách du lịch. Thông thường, các đoàn phượt sẽ xuất phát từ thành phố Hà Giang, nghỉ ăn hoặc ngủ qua đêm tại Yên Minh để tiếp sức cho ngày hôm sau.
Không chỉ tại Yên Minh, các xe cũng nối đuôi nhau xếp hàng ở cây xăng Đồng Văn. Theo một nhân viên tại đây, ngoài xe máy, lượng ô tô chiếm non nửa. Vì vậy, theo ca làm, các nhân viên gần như không lúc nào được nghỉ.
Chị Nguyễn Thanh Thùy, trưởng một đoàn phượt từ Hà Nội cho biết phải xếp hàng chờ đến gần một tiếng đồng hồ mới đổ được xăng tại Yên Minh. Trước đó, tại điểm cây xăng ở Quản Bạ, cả đoàn cũng phải chờ khá lâu.
"Mỗi huyện ở Hà Giang đều cách xa nhau và thường chỉ có một cây. Vì vậy, tại mỗi thị trấn, cả đoàn lại phải tiếp xăng. Việc chờ đợi là không tránh khỏi", chị cho hay.
Dù chưa hết xăng, đoàn của anh Đỗ Hưng (đoàn phượt xe phân khối lớn) vẫn phải dừng tại điểm Yên Minh để tiếp. Dù mỗi xe chỉ đổ khoảng 20.000-40.000 đồng là đầy bình nhưng cả đoàn phải chờ gần 1 tiếng mới đến lượt. Anh quyết định dự trữ 3 can 5 lít cho cả đoàn cho ngày hôm sau.
Lễ hội hoa tam giác mạch đầu tiên của Hà Giang sẽ khai mạc ngày 12/11. Tuy nhiên, cả tháng qua, lượng khách đến đây đã tăng đột biến. Việc này khiến không chỉ cây xăng mà các dịch vụ kèm theo như sửa xe, ăn uống và ngủ nghỉ tại các điểm dừng chân cũng gần như quá tải.
"Gần 2 tuần nay, tôi phải huy động tất cả người thân và thuê thêm 3 nhân viên phục vụ đồ ăn cho các đoàn du lịch. Mỗi đoàn dao động 10-30 người, đông nhất lên tới 80 người. Vì vậy, quán phải làm việc từ tinh mơ cho đến đêm", anh Nguyễn Văn Toản, chủ một quán ăn ở Yên Minhchia sẻ.
Lượng khách đông bất ngờ nên giá thực phẩm tại các điểm này cũng leo thang. Suất ăn cũng tăng giá 50.000-70.000 đồng, lên tới 100.000 đồng một người. "Những ngày này, nếu không đi chợ sớm rất khó có thể mua được thịt, cá cũng như rau xanh", anh cho hay.
Theo New Zing
Du lịch, GO!
ĐGD: Theo mình, nếu bạn đã lên đường rồi thì không nói. Còn nếu chuẩn bị vào cung thì hãy chọn chỗ khác mà đi! 4 huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đẹp lắm... nhưng trong dịp lễ hội này: các danh thắng đầy người, vật giá leo thang, phòng nghỉ hiếm hoi... thì đến đấy hoàn toàn là một sai lầm.
Hà Giang đẹp, rất đẹp trong những ngày thường - mình cho là như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét