Về dưới mái gươl
Ngược về hướng núi, có nhiều con đường để người ta đến với miền tây Quảng Nam. Từ Điện Bàn, Quảng Nam hay từ TP Đà Nẵng, rong ruổi theo tuyến quốc lộ 14G đi lên huyện Đông Giang, xuyên qua P’rao để đến Tây Giang rồi rẽ sang, men theo đường mòn Hồ Chí Minh để qua Nam Giang.
Dù đi bằng phương tiện đường bộ nào cũng tha hồ thưởng ngoạn những bức tranh muôn màu của núi xanh, trời biếc, điểm xuyết bằng đường nét của những cung đường quanh co, uốn lượn. Thấp thoáng dưới tán cây rừng hay bên dòng suối là những mái gươl - kiến trúc nhà truyền thống độc đáo của người Cơ Tu.
Dân tộc Cơ Tu, hay còn có những tên gọi khác là Cà Tu hay người Hạ, là một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam còn giữ được hầu như vẹn nguyên những nét văn hóa riêng đặc sắc. Cư trú nhiều đời trên dãy Trường Sơn giữa không gian thiên nhiên kỳ vĩ, rừng núi ngút ngàn, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng họ có cuộc sống tinh thần phong phú, tươi vui, yêu lao động, giản dị và rất mực mến khách.
Sau một thời gian dài tưởng chừng như mai một, đến nay nhà gươl cùng nhiều nét văn hóa truyền thống Cơ Tu, như nhà mồ điêu khắc gỗ, điệu múa Tung tung da dá… đã và đang từng bước được khôi phục lại. Gươl là thiết chế văn hóa làng xã cơ bản của người Cơ Tu, là chốn linh thiêng kết nối xuyên suốt mọi hoạt động văn hóa cộng đồng. Nơi đây vừa giống như một bảo tàng lưu giữ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, vừa diễn ra các sinh hoạt tập thể, các lễ hội truyền thống của dân làng. Trong gươl treo nhiều chiêng, trống, chum, chóe, gùi, nỏ, bầu nước… Giữa sân gươl là cây cột lễ với đường nét chạm trổ công phu và những hoa văn trang trí giống hoa văn trên trang phục thổ cẩm của người Cơ Tu. Đồng bào đã giã gạo, dệt vải, nhảy múa, uống rượu quanh gươl từ đời này qua đời khác, và tất nhiên đấy cũng là nơi tiếp đón nồng hậu bao người khách phương xa đến thăm thôn làng.
Dulichgo
Chúng tôi đến làng Cơ Tu Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) vào một ngày bình thường, nhưng lại may mắn được thưởng thức không khí lễ hội của một buổi văn nghệ quần chúng mà dân làng tổ chức. Ngôi làng cổ nằm lưng chừng núi, cạnh con suối Mơ Tua xanh trong ngăn ngắt, gây ấn tượng bởi đường đi lối lại sạch sẽ, những nếp nhà Cơ Tu nhỏ xinh ẩn hiện giữa vườn cây. Ban ngày, người lớn đi rẫy, đi rừng gần hết cho nên chỉ có đám trẻ nhỏ hồn nhiên loanh quanh bày trò chơi giữa sân gươl. Nhưng tối đến, khi màn sương đêm mang theo hơi lạnh se se của vùng núi cao bao trùm xuống, bên đống lửa hừng hực cháy là tiếng cồng, nhịp chiêng rộn rã và vũ điệu Tung tung da dá nhịp nhàng, đầy sức sống. Người Cơ Tu thết khách những thức ăn thơm ngon mang đậm phong vị núi rừng như zơ rá (rau hoặc thịt, cá nướng trong ống tre), zơ rúa (thịt lợn muối chua), cơm lam…
Đặc biệt là món rượu tà vạt độc đáo chỉ riêng có xứ này, được làm từ nhựa cây tà vạt (một loại cây họ dừa) và chất men lá rừng, thơm lừng và có vị rất đặc trưng. Rượu tà vạt, rượu tà đin, rượu cần Cơ Tu đều không có nồng độ cao nhưng vẫn làm lòng người say sưa, nghiêng ngả, giữa không gian mênh mông đất trời và tình người xứ núi hào sảng. Những người con trai, con gái Cơ Tu trong trang phục truyền thống mang sắc đen, đỏ và kết cườm trắng độc đáo, môi nở nụ cười tươi tắn biểu diễn điệu múa cổ truyền Tung tung da dá giữa vòng tròn dân làng và các nhóm khách.
Tung tung da dá là điệu múa dâng trời, gắn bó mật thiết với cộng đồng bao đời nay và xuất hiện trong tất cả các sinh hoạt lễ nghi, đời sống của đồng bào Cơ Tu. Tung tung tiếng Cơ Tu nghĩa là vươn cao hơn, mạnh mẽ và vững chãi hơn, dành cho những cánh tay đàn ông mạnh mẽ cầm nỏ, cầm gươm giương cao lên trời biểu hiện sức mạnh, ý chí và khát vọng chinh phục thiên nhiên, chống lại thiên tai địch họa, gìn giữ thôn làng. Còn da dá là thẳng hàng, nhịp điệu dành cho nữ giới với đôi bàn tay mềm mại uyển chuyển nâng cao ngang vai, với ý nghĩa tâm linh là đón chờ và biết ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa, cầu mong mọi người mạnh khỏe, bình an. Về khuya, mọi người ngồi lại quây quần nghe các già làng dạy thanh niên thổi khèn abel, sáo a reng, đánh đàn tơm rech, tập hát mấy điệu lý, câu hát của dân tộc. Hôm ấy, ngoài mấy bạn trẻ người Việt trên đường đi “phượt”, còn có một đoàn hơn chục khách quốc tế, chủ yếu là người Ô-xtrây-li-a nối tua du lịch từ Hội An. Tất cả họ đều rất thích thú trước những nét văn hóa rất tự nhiên, độc đáo và sự thân thiện, nhiệt tình của người Cơ Tu nơi đây.
Làng Bhơ Hôồng là khu làng du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng được đánh giá cao, là niềm tự hào của nhân dân ở đây lâu nay, bên cạnh những địa danh, điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn trên tuyến đường tây Quảng Nam như làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Đhơ Rôồng - xã Tà Lu, Khu du lịch sinh thái Hang Gợp - xã Mà Cooih (huyện Đông Giang); thác nước G’răng, làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra, xã Tà Bhing (huyện Nam Giang); cụm địa đạo A Nông - xã A Nông, Làng gốm C’noonh - xã Axan, Nhà làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang…
Lời mời gọi của núi rừng
Dulichgo
Ý tưởng xây dựng các làng du lịch dựa vào cộng đồng và phát huy các tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa tại các địa phương phía tây Quảng Nam nhằm bảo tồn, phát huy và kết nối các giá trị truyền thống độc đáo của các dân tộc anh em. Đồng thời cũng làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của miền đất di sản, giảm tải cho phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn. Suốt chặng đường khám phá của du khách trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, những di tích lịch sử của một thời khói lửa hào hùng hay các làng cổ Cơ Tu hoang sơ đều mang những nét hấp dẫn, ấn tượng riêng.
Dự án phát triển du lịch cộng đồng Cơ Tu tại xã Tà Bhing (Nam Giang) do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản hỗ trợ, phối hợp chính quyền địa phương từ cuối năm 2012, đã bước đầu giúp tạo thu nhập cho người dân, gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Tính đến tháng 10 năm nay, xã Tà Bhing đã đón khoảng 65 đoàn khách, chủ yếu đi về trong ngày. Trong thời gian một ngày, du khách được trải nghiệm các hoạt động văn hóa cộng đồng Cơ Tu, như thưởng thức các món ăn truyền thống, xem múa hát, thử dệt vải thổ cẩm, trải nghiệm cuộc sống với người dân.
Theo chị Kim Lan, Tổ trưởng tổ dệt làng Za Ra, mặc dù doanh thu từ du lịch và dịch vụ chưa cao, nhưng thành công của mô hình này là đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về các giá trị văn hóa của dân tộc mình, nhất là với thế hệ trẻ. Còn ở làng Đhơ Rôồng (Đông Giang), sản phẩm thổ cẩm dệt tay kết hạt cườm đặc trưng của người Cơ Tu là thế mạnh được chú trọng. Chị Bríu Hành ở hợp tác xã dệt Đhơ Rôồng cho biết, từ khi làng mở cửa chào đón khách du lịch cộng đồng, các khung dệt của chị em có cơ hội hoạt động trở lại, tạo thêm thu nhập mỗi tháng từ 350 đến 400 nghìn đồng, tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa lớn với người phụ nữ Cơ Tu. Thổ cẩm của người Cơ Tu có mầu sắc chủ đạo là đen hoặc xanh dương, điểm sọc dọc ngang mầu đỏ, mầu hồng, với các hạt cườm tạo hình núi rừng, mái nhà, hoa ablơm, lá a tút, cây tà vạt cây nêu… những sự vật gần gũi thân thuộc với đồng bào miền sơn cước. Nhưng để thu hút khách hơn, chị em đã có sáng kiến nhờ các nghệ nhân ở Hội An tư vấn thêm để cải tiến về kiểu dáng, hoa văn, câu chữ sao cho bắt mắt, hiện đại.
Còn ở làng Bhơ Hôồng, các nhà dân tham gia du lịch cộng đồng gần như không tuần nào vắng người. Trải nghiệm qua đêm tại ngôi nhà mool truyền thống Cơ Tu làm hài lòng hầu hết các đoàn khách trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động như lễ hội đâm trâu, mừng cơm mới, đánh cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, đan gùi… được tái hiện thường xuyên. Hằng ngày, Ating Pai, cậu hướng dẫn viên du lịch địa phương thường dẫn khách đi tắm suối, đi trekking (đi bộ đường rừng), leo núi, câu cá, hoặc giúp họ tập sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Pai là một người con Cơ Tu có cơ hội về xuôi học hành đầy đủ, và khi tốt nghiệp đã quay về làm đúng ngành nghề, được góp phần nào sức mình cho diện mạo mới của vùng đất xa xôi và còn khó khăn này.
Dulichgo
Những thành quả đáng khích lệ đó chính là nhờ sự coi trọng các chủ thể văn hóa - đồng bào Cơ Tu. Bởi không ai hiểu rõ nét đẹp văn hóa truyền thống Cơ Tu hơn chính họ, không thể tái hiện các sinh hoạt văn hóa truyền thống nếu không có sự tham gia trực tiếp của họ. Nhiều xã, thôn đã tuyển chọn thanh niên để lập đội múa, đội khèn, thường xuyên tập luyện để trình diễn phục vụ du khách. Người Cơ Tu bây giờ thường chỉ mặc trang phục truyền thống vào lễ, Tết, nhưng các khung dệt vẫn đều đặn lên xuống để tạo ra sản phẩm thổ cẩm làm hàng lưu niệm. Và không thể không nhắc đến vai trò của các nghệ nhân, các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng. Đó là ông Alăng Bảy ở xã Sông Kôn, người đã theo cách mạng tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, năm lần bắn rơi máy bay Mỹ.
Thời bình, gia đình ông là điển hình tiên tiến về lao động sản xuất, đồng thời tích cực xây dựng bản làng văn hóa mới. Ông sưu tập nhạc cụ dân tộc không thiếu món nào và thường xuyên truyền dạy cho đám thanh niên trong bản, đồng thời có công rất lớn trong việc xây dựng làng văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng. Người anh hùng chống giặc Mỹ năm xưa, nay vẫn khỏe mạnh, minh mẫn ở tuổi 85 và được dân làng yêu mến gọi là “già làng văn hóa”. Nhiều người còn biết đến già làng Y Kông ở xã Ba, huyện Đông Giang, người đã biến ngôi nhà riêng của gia đình thành một bảo tàng Cơ Tu thu nhỏ với hàng trăm hiện vật độc đáo, là nơi tập trung sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng Cơ Tu và là điểm dừng chân thu hút khách du lịch…
Lâu nay, các địa danh giàu tiềm năng và truyền thống ở vùng tây Quảng Nam ít được biết đến, người dân ít được hưởng lợi từ du lịch. Do đó, phát triển du lịch cộng đồng là xu thế tất yếu, tận dụng nguồn lực tại chỗ, biến những giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa… thành một phần giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống tinh thần cho bà con. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô, tính chuyên nghiệp, để kết nối và tạo chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao, vẫn cần rất nhiều nỗ lực của cộng đồng, cũng như sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành du lịch. Tiếng lành đồn xa, hy vọng cung đường tây Quảng Nam kỳ thú với sắc màu văn hóa Cơ Tu sẽ tiếp tục mời gọi và níu chân du khách.
Theo Hoàng Mỹ Hạnh (Báo Nhân Dân)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét