Vừa đếm từng “đầu người”, bà Lý Thị Năm ở bản Lùng Thàng (Quản Bạ) vừa bảo: “80.000 đồng”. Đó là số tiền bà thu của một nhóm “phượt” gồm tám sinh viên.
Nhóm “phượt” gồm năm bạn nữ và ba bạn nam này vừa đổ bộ xuống ruộng tam giác mạch của bà Năm. Mặc đồng phục áo phông đỏ với ngôi sao vàng trước ngực - sắc áo mà hầu như các bạn phượt trẻ thường hay mặc, dừng xe cẩn thận bên vệ đường và cả nhóm lao xuống ruộng. Màu áo đỏ nổi bật trên ruộng hoa tam giác mạch đang nở rộ.
Những nương hoa bạc tỉ
Nhóm tám bạn trẻ của Trường đại học Thái Nguyên vừa rời ruộng hoa của bà Năm, một nhóm khác lại dừng chân, nhóm sinh viên này đến từ Học viện Tài chính và Trường đại học Mỏ - địa chất. Lại cũng như trước, họ ào ra ruộng, hân hoan, tạo dáng và chụp, chụp, chụp rồi tranh thủ up lên... Facebook. Có lẽ nếu không có Facebook hay rộng hơn, các mạng xã hội, hẳn hoa tam giác mạch chắc sẽ không lên cơn sốt như đã và đang diễn ra từ mấy năm nay vào mỗi mùa hoa. Hóa ra mảnh ruộng rộng gần nửa hecta này là của sáu hộ ở Lùng Thàng cùng góp đất để gieo chung một trà hoa từ đầu tháng 9.
Những du khách trên hành trình từ thành phố Hà Giang đi chiêm ngưỡng mùa hoa tam giác mạch chắc chắn phải chọn khu vực này là điểm dừng đầu tiên bởi đột khởi giữa ruộng hoa này là một khối cự thạch rất lạ được gọi là Thạch Sơn Thần. Những cột đá liền kề nhau song song với quốc lộ 4C, vừa có dáng dấp của một non bộ khổng lồ tự nhiên trên cánh đồng hoa, vừa như một nhóm tượng đài thu nhỏ hình ảnh của trùng sơn cao nguyên đá, lại nằm ngay cửa ngõ của khu công viên địa chất toàn cầu. Vì thế Thạch Sơn Thần dù không phải mùa tam giác mạch vẫn được du khách dừng lại chiêm ngắm, huống nữa bây giờ đang là mùa hoa rộ.
Dulichgo
Bà Lý Thị Năm cho biết đây mới là mùa thứ hai bà con trong bản Lùng Thàng họp với nhau, thống nhất gieo hoa tam giác mạch cùng thời điểm để thu hút du khách. “Hôm nay thu được bao nhiêu tiền rồi ạ?”. “Hôm nay ít, cả ruộng này có sáu hộ cùng trồng và thu, mỗi ngày hai hộ được thu, hôm nay hộ của mình và hộ của ông Khìn cùng thu, không phải cuối tuần nên không nhiều. Hôm nào cuối tuần thì thu nhiều hơn”. Nói “không nhiều” nhưng chỉ trong hơn một giờ chúng tôi dừng lại quan sát và... đếm khách hộ bà Năm, đã có ít nhất bốn nhóm khách phượt ghé ruộng. Cộng với nhóm phóng viên chúng tôi, bà Năm đã thu hơn 400.000 đồng (10.000 đồng/khách).
Không chỉ tại khu ruộng của bà Năm ở Lùng Thàng, có hàng trăm điểm ruộng dành cho du khách như thế trên những cung đường cao nguyên đá. Ở ngay cổng trời Quản Bạ, những hộ dân đã công phu tạo nên những thửa ruộng hoa có hình ngôi sao, hình trái tim... Điều thú vị là những ruộng hoa tam giác mạch luôn được gắn với di tích, một điểm dừng đáng lưu ý.
Sủng Là vốn được coi là một thị tứ đẹp nhất trên trục đường 4C qua Đồng Văn, nơi có những ngôi nhà Mông cổ xưa với bờ rào đá từng là phim trường cho bộ phim Chuyện của Pao, nay được trồng kín từ bản Lũng Cẩm Trên đến ngã ba Sáng Ngài.
Qua khỏi Sủng Là là Lũng Táo với bát ngát hoa chạy dọc thung lũng cùng 45ha, từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy con đường bé như sợi chỉ kẻ một nét uốn mềm mại qua thảo nguyên hoa.
Khu vực dinh vua Mèo (hay còn gọi là Nhà Vương) ở xã Sà Phìn hoa cũng phủ kín toàn bộ thung lũng, rồi miên man dọc theo đó vào tận Ma Lé, thung lũng mênh mông dưới chân cột cờ Lũng Cú. Nếu tính mỗi du khách chụp ít nhất năm địa điểm trên hành trình ngắm hoa tam giác mạch với mức giá 10.000 đồng/lần chụp, quả đó là một nguồn thu không nhỏ cho những nương hoa vốn từ bao đời lặng lẽ nở, lặng lẽ tàn.
“Tiền tươi - hoa thật”
Dulichgo
Không chỉ bà con người Mông, người Nùng trên địa bàn bắt đầu chuyện “làm ăn” với mùa hoa tam giác mạch. Trên thửa ruộng tam giác mạch rất đẹp dự báo nở rộ vào dịp chính hội, lại nằm ngay ngã ba từ thị trấn Đồng Văn rẽ vào Lũng Cú, chúng tôi đã được nghe thuyết minh về cách kiếm tiền của một người “dưới xuôi” có vẻ lớp lang và bài bản!
“Ban đầu em thuê chỉ được hơn 2 sào đất phía này thôi, nhưng như thế thì ít quá nên thuê thêm 2 sào nữa, ruộng của em là đa chức năng, không chỉ để cho thuê chụp ảnh đâu”. Giá thuê là 16 triệu đồng cho cả khu ruộng này từ tháng 8 âm lịch đến tháng 2 âm lịch, sau tháng 2 âm lịch là trả lại đất cho người ta trồng ngô” - Thụ kể. Anh chàng chủ quán với món lẩu rau tam giác mạch bảo: “Chỉ em là người dưới xuôi duy nhất có ruộng tam giác mạch như thế này thôi!”. Hóa ra từ mấy tháng nay trên thửa ruộng hơn 2.000m2 này, quán của Thụ đã đỡ bao nhiêu tiền rau đặc sản.
“Khách vào chụp ảnh thì thế nào cũng phải có lối đi, thay vì để khách giẫm đạp, chúng em tự tạo lối đi bằng cách tỉa rau theo từng vệt, rau được tỉa ấy sẽ thành “đặc sản”. Có lối đi rồi, sau này khách vào chụp mà giẫm gãy hoa thì em sẽ đền, mà có cam kết trước là gãy hoa em đền cả 100.000 đồng một cành” - Thụ cao giọng có vẻ “chém gió”.
“Có cả ngàn thửa ruộng, chú “chém” vậy thì khách sẽ chọn ruộng khác, không chọn ruộng chú nữa thì sao?”. “Các anh không để ý đấy, có phải ngẫu nhiên mà em đi thuê khu ruộng này đâu. Đây vừa là ngã ba nhiều khách qua lại, nhưng quan trọng hơn là em chạy xe cả tháng trời để tìm cho được cái “view” này đấy”.
Quả thật, đúng là... dân quen kinh doanh có khác. Mảnh ruộng được Thụ thuê có cái view xứng đồng tiền bát gạo, thảo nào giá thuê đắt như thế. Trải dài như một bình nguyên, phía sau là hậu cảnh với nhiều lớp núi hùng vĩ, bên phải ruộng lại là một lũy tre xanh rất đẹp. “Mà em không dừng lại ở đó, cũng như các anh từ xa đến mong thưởng thức một cái gì lạ lạ, đặc sắc, góc ruộng em đã thuê lại một quầy hàng, sắp tới khi hoa nở sẽ cho khách thuê quần áo dân tộc để mặc chụp ảnh. Không lẽ đi cả ngàn cây số tới đây lại không chụp bức ảnh trong khung cảnh này với trang phục Mông, khèn Mông trên tay, váy Mông, ô xòe...”.
Dường như trong cơn hứng khởi, Thụ bật mí luôn: “Không chỉ mùa hoa tam giác mạch đâu, thu hoạch xong vụ tam giác mạch này em sẽ xuống giống hoa cải, trồng xen cải hoa vàng và cải hoa trắng, bà con lên đây chơi xuân lại không sà vào ruộng cải này mà chụp ảnh à? Dưới xuôi bảo tiền tươi thóc thật chứ em thì cứ tiền tươi hoa thật! Đến tháng 2 em trả ruộng, tháng 8 em lại thuê”. Thụ lại cười lớn.
“Khi em lên đây chỉ hai bàn tay trắng, nợ nần tứ tung, mấy năm nay cái vùng đất này cưu mang em, Đồng Văn đã cho em có cuộc sống quá ổn ở đây. Nếu cách làm ăn của em mà được bà con học theo được, giúp bà con khá lên thì em lại nghĩ ra cách khác!”. Bao nhiêu năm nay đi đi về về với Hà Giang, chúng tôi nhận ra trên chập chùng đá núi này những mùa hoa luôn nối nhau, bất khuất mà nhân hậu, can trường mà khiêm nhường như đền bù cho những gian khó đời dân...
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối
Theo Lê Đức Dục, Đức Bình (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét