Tam giác mạch không chỉ ở Hà Giang, không chỉ dọc tuyến 4C mà ngược qua phía Hoàng Su Phì, Xín Mần mùa này ngập đầy hoa.
Hồi tháng 3 năm nay, khi báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình về nguồn “Tháng 3 biên giới” ở Hà Giang trùng với dịp Hà Giang tổ chức kỷ niệm 50 năm khai sinh “con đường Hạnh Phúc”, chúng tôi may mắn gặp lại hàng trăm cụ ông, cụ bà đã ở tuổi “cổ lai hi”, những thanh niên xung phong (TNXP) thuở nào mười tám đôi mươi đã đi mở tuyến đường này từ nửa thế kỷ trước.
Những ngày theo đoàn xe đưa gần 400 cựu binh TNXP của nhiều tỉnh thành trở lại cung đường xưa, ai ai đều ánh lên niềm vui khi biết máu xương và tuổi xuân của mình đổ ra đã không uổng để tuyến quốc lộ 4C được mang cái tên “cung đường Hạnh Phúc”.
Chuyện ít biết về cung đường hoa...
Dạo ấy, khi tìm hiểu về người đã vạch lộ trình cho con đường, chúng tôi đã được biết về “công trình sư” Phạm Đình Di, người từng là trưởng Ty Giao thông Hà Giang và sau này là bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Chính ông là người đã vạch nên dấu mốc trên đá cho cung đường Hạnh Phúc hiện có. Trước khi mở tuyến, ngoài phương án mà ông Di đưa ra với lộ trình như hiện nay, tỉnh Hà Giang có mời hai chuyên gia giao thông từ Trung Quốc qua khảo sát, hi vọng với kinh nghiệm của họ sẽ có một tuyến đường ngắn hơn, dễ thi công hơn.
Và đúng là sau khi khảo sát, tuyến đường do chuyên gia Trung Quốc vạch ra ngắn hơn, dễ thi công hơn vì không vướng nhiều đá nhưng tuyến này lại đi cặp sát biên giới Việt - Trung.
Nhiều người cũng muốn thi công theo phương án của chuyên gia Trung Quốc cho dễ dàng và đỡ tốn kém, nhưng trưởng Ty Giao thông Phạm Đình Di đã quyết liệt bảo vệ lộ trình con đường như đang có.
Dulichgo
Theo ông, đã là tuyến đường xương sống thì phải đi vào nội địa, đường phải có dân sống, đường cho dân đi chứ không thể đưa đường ra biên giới, xa cách với các vùng dân sinh. Mở đường mà dân không đi lại thường xuyên thì làm sao hiệu quả, làm sao thay đổi cuộc sống cho dân?
Mặt khác, nếu đường được mở sát biên thì gần như tuyến đường sẽ “bỏ rơi” hoàn toàn huyện Yên Minh, đó là chưa nói việc thi công theo phương án của ông Di tuy xuyên qua nhiều đá, khó khăn, vất vả ban đầu nhưng bù lại nền đường lại cứng hơn.
Nếu làm được tuyến xuyên qua nền đá sẽ hạn chế được nạn sạt lở, nhất là trong mùa mưa bão! Cuối cùng phương án tuyến đường đi sâu trong nội địa như hiện nay đã được chọn thay cho phương án đi cặp sát biên giới Việt - Trung.
50 năm cho một tuyến đường trong số hàng triệu năm tuổi của đá. Nhưng từ con đường Hạnh Phúc, Hà Giang cũng cần một con đường nữa - con đường phát triển kinh tế để đưa Hà Giang đi lên, xứng đáng với máu xương của những thế hệ đi trước đã bảo vệ và dựng xây nên vùng đất biên ải Hà Giang như hôm nay, trong đó có máu của những liệt sĩ TNXP đang nằm ở Yên Minh, những người lính hi sinh từ năm 1979-1989 đang nằm ở Vị Xuyên. Con đường phát triển ấy, thật thú vị, lại bắt đầu từ những mùa hoa, không riêng gì hoa tam giác mạch!
“Sứ mệnh” mới của hoa...
Ý tưởng về lễ hội hoa của Hà Giang bắt đầu với hoa tam giác mạch. Nhưng câu chuyện về hoa có lẽ không chỉ riêng tam giác mạch và cũng không riêng với Hà Giang. Có đi trên cung đường 4C mới hay rằng ở đây hoa mùa nối mùa dù vây quanh là chập chùng đá núi. Cũng thế, tam giác mạch không chỉ ở Hà Giang, không chỉ dọc tuyến 4C mà ngược qua phía Hoàng Su Phì, Xín Mần mùa này vẫn ngập đầy hoa.
Không riêng Hà Giang, trên cung đường từ Bắc Hà (Lào Cai) vào Si Ma Cai, những ngọn đồi mênh mang ở xã Lử Thẩn cũng ngút ngàn hoa tam giác mạch không hề “thua chị kém em” với những mùa hoa ở Hà Giang.
Dulichgo
Và từ lễ hội tam giác mạch lần đầu diễn ra vào đêm 12-11-2015, những mùa hoa dọc dặm dài biên ải liệu có mở ra những cánh cửa mới, không chỉ là những chuyến du lịch mà chính là nối gần biên cương và nội địa, nối bản làng với đô thị. Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao cho đời sống người dân khá lên bằng nguồn thu từ du khách của những mùa hoa trên cao nguyên đá.
Bao nhiêu lần đi đi về về trên cung đường này, dễ nhận ra những mùa hoa đẹp cứ nối tiếp nhau và cung đường Hạnh Phúc như một “showroom” trình diễn những mùa hoa quanh năm, nối ngày tiếp tháng. Bất kể mùa nào, bên những triền núi đá xám đen ấy vẫn có những màu hoa bừng sáng. Khó có thể cắt nghĩa được ở xứ sở chỉ đá và đá, hiếm đất hiếm nước ấy lại có những mùa hoa quanh năm mùa nối mùa.
Trong bản hòa sắc của hoa như dịp này, sau mùa tam giác mạch là tiếp nối mùa hoa cải vàng rồi bắc cầu sang màu trắng hoa mận nở tưng bừng vào những tuần áp tết, để rồi sau đó chuyển giao “sứ mệnh hoa” cho hoa đào thắm sắc Nguyên đán mùa xuân. Đi trên cung đường này độ xuân về, du khách sẽ mê đắm miên man trong sắc hoa đào hồng rực.
Không mọc thành vườn, không trồng thành làng, đào ở cao nguyên đá mọc bất tận ở bất cứ chỗ nào cây có thể cắm xuống. Bên bờ rào đá, nghiêng nghiêng dưới nếp nhà lợp gỗ pơmu, góc sân, ven vệ đường, giữa lưng chừng núi, bên góc ruộng bậc thang, cứ như thể hoa đào là loài cây dại hơn là một loài hoa mà người miền xuôi vốn nâng niu, chăm bẵm.
Và cho dù mọc ven đường hay góc ruộng, lẫn giữa mái đá hay thấp thoáng bên hè nhà, những cây đào của cao nguyên đá đều giống nhau ở những thân cành gân guốc, cứng cáp, vừa kiêu hãnh vừa thách thức. Giữa trùng trùng màu đá đen xám nhuốm màu kiêu bạc, vẻ đẹp của những cây đào hồng rực sắc hoa dọc con đường Hạnh Phúc trở thành một vẻ đẹp rất riêng của miền cực bắc.
Trên cung đường này còn một mùa hoa khác, không đủ mênh mang nhưng những ai yêu mến Hà Giang rất khó quên, đấy là mùa hoa cúc dại. Trên những vách đá chênh vênh dọc theo tuyến đường, không hiểu bám víu vào đâu những đóa cúc dại cũng nở vàng thành thảm, vừa dân dã vừa can trường. Không ít khách lên đây chỉ vì quá mê những thảm hoa dại chênh vênh trên vách đá ven đường ấy!
Dulichgo
Sau mùa hoa đào tháng 2, mùa hoa gạo tháng 3, tháng 4, vào tháng 5 ngô bắt đầu vươn xanh trong các hốc đá tai mèo, mùa hoa ngô chưa kịp tàn thì lúa bắt đầu chín trên những thửa ruộng bậc thang chênh vênh. Và những nương ngô “treo đèn” cũng mang một vẻ đẹp riêng có.
Chắc nhiều người lạ với cách gọi “ngô treo đèn”, thật ra trên chập chùng đá, người Mông không làm sân phơi, mùa thu hoạch, cây ngô được cắt phần ngọn tính từ bắp ngô, để ngô khô hẳn trên nương rồi sau đó mới bẻ mang về đưa thẳng vào kho.
Cây ngô cứu tinh bao đời với nồi mèn mén, giờ đây những người dân rẻo cao bắt đầu có thêm hi vọng từ những mùa hoa tiếp nối sau vụ ngô.
Và với riêng tam giác mạch, mai rồi sẽ có những mùa hội hoành tráng hơn, không chỉ ở Đồng Văn, ở Hà Giang mà lan sang những mái đồi tận Bắc Hà, Si Ma Cai của Lào Cai, những lễ hội hoa đào du xuân cực Bắc, mùa tưởng nhớ biên cương trong màu hoa gạo đỏ tháng 3.
Hoa trên đá không hề là một hình ảnh có tính biểu tượng hay ngụ ngôn. Hoa trên đá chính là những người dân bằng chính cả cuộc đời mình trấn ải phên giậu, gìn giữ chủ quyền mỗi ngày như những bông hoa nối mùa, kiêu hãnh trên ngàn đá núi và trong giá rét.
Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối
Theo Lê Đức Dục, Đức Bình (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét