Tháng 11, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) rộ lên màu hồng tím của loài hoa mê hoặc mang tên Tam giác mạch. Lần đầu tiên, loài hoa này sẽ được tôn vinh trong một lễ hội lớn diễn ra từ ngày 12-15/11/2015 do tỉnh Hà Giang tổ chức tại 4 huyện gồm Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc. Tỉnh Hà Giang đã chuẩn bị cho sự kiện văn hóa này khá bài bản, kỹ lưỡng.
Những ngày này, có mặt tại Đồng Văn du khách dễ dàng chứng kiến cảnh người xe tấp nập, quốc lộ 4C thường xuyên ùn tắc cục bộ. Những hình ảnh đó cho thấy sức hút của Cao nguyên đá Đồng Văn khi chính thức gia nhập vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, bên cạnh đó là sức hút mê hoặc, vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa Tam giác mạch.
Nhiều năm về trước, nói đến Hà Giang là người ra nghĩ đến những cánh đồng đá xám xịt, khô cằn. Người dân địa phương quanh năm chỉ biết gieo hạt bắp trên đá. Thời điểm đó, tuyệt nhiên không ai nghĩ được rằng, loài hoa căng mình bung nở trên các vách đá kia lại có ngày mời gọi du khách tứ xứ đến đây.
Bây giờ thì khác, người ta manh nha học cách làm du lịch sao cho bài bản và chuyên nghiệp. Những cánh hoa Tam giác mạch xưa kia nằm lẻ loi, hoang dại, rải rác thì nay được gieo trồng, được chăm chút.
Từ những lợi thế có sẵn, chính quyền và nhân dân đang nỗ lực đưa Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một “địa chỉ đỏ” trong cẩm nang du lịch của cả nước. Mọi thứ mới chỉ manh nha, nhưng thời gian vừa qua, không ít du khách khi lên tới đây đã phải thở dài ngao ngán vì hiện tượng “chặt chém”.
700 nghìn một đĩa thịt gà, 100 nghìn một bát phở, 30 nghìn một quả trứng gà...Những cái giá như “cắt cổ” này khiến nhiều du khách bất bình. Cái cách làm du lịch kiểu thời vụ diễn ra trên khắp đất nước, chỗ nào cũng có nhưng không ai nghĩ rằng nó xuất hiện ở Cao nguyên đá này quá sớm.
Việc niêm yết giá đã được chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện rốt ráo, quyết liệt, song những thành phần cơ hội vẫn lợi dụng sơ hở để “chém đẹp” du khách.
Du lịch Đồng Văn còn quá mới mẻ, đầu tư cơ sở vật chưa nhiều đặc biệt là hệ thống giao thông, khách sạn, nhà nghỉ, các loại dịch vụ đi kèm vẫn còn hết sức nghèo nàn. Chính vì điều đó nên khi thấy lượng du khách đổ về quá nhiều trong những ngày qua để tham dự Lễ hội hoa Tam giác mạch, nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ trọ đã ngầm tăng giá.
Họ ngang nhiên đưa ra lý do để tăng giá phòng, thậm chí có những người đặt trước khi lên nhận phòng cũng phải ngậm ngùi, chấp nhận bị “chặt chém”. Bởi, từ thời điểm này cho đến hết tháng 11, toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thành phố và các huyện diễn ra lễ hội đều đã… cháy phòng.
Các dịch vụ khác cũng “té nước theo mưa” để “chặt chém” khách. Giá phòng trọ ở Đồng Văn nhích lên từng ngày, từng giờ. Giá thuê xe ở thành phố cũng tăng đột biến. Hay có du khách phải ngậm đắng để trả 200 nghìn cho một miếng vá săm xe máy. Có người tỏ ra thông cảm với những hành động như trên, vì tâm lý họ nghĩ rằng ở đâu chẳng thế. Trong khi đó, chủ nhà thì mặc sức "hét giá", tranh thủ "móc túi", được đến đâu hay đến đó.
Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua của tỉnh Hà Giang. Thừa nhận cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn yếu kém, phong cách làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp và đặc biệt là hiện tượng “chặt chém” đang xảy ra gây bức xúc. Bên cạnh đó là vấn đề vệ sinh môi trường, giao thông, trộm cướp...Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết triệt để.
Lễ hội lớn của Cao nguyên đá Đồng Văn đang đến gần, với hàng loạt các sự kiện văn hóa nổi bật mà điểm nhấn là loài hoa kiêu sa Tam giác mạch đang hút du khách về với Hà Giang. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, hi vọng “chặt chém” khách sẽ không phải là “đặc sản” của vùng Cao nguyên đá.
Theo Từ Huy (Báo Công Lý)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét