Trên dãy đất hình chữ S này, không đâu lạnh bằng trời Tây Bắc. Sa Pa đóng băng, Mẫu Sơn tuyết rơi nhưng vẫn không bằng cái rét căm căm như thấm vào tận xương tủy khi rong ruổi trên những cung đường uốn lượn quanh co vắt ngang qua núi ở lưng chừng trời. Từ thành phố Hà Giang đi lên hay từ Cao Bằng, Bắc Kạn sang miền đá là những trải nghiệm khó quên cho những ngày rong chơi trên con đường mang tên Hạnh Phúc- lối đi độc đạo nối liền các bản làng của những bờ rào đá trên cao nguyên của núi đá tai mèo.
Phiên chợ trên mây
Khởi điểm từ thành phố Hà Giang rất khó tìm phương tiện công cộng xuyên cao nguyên này. Vốn dĩ, người dân bản địa gốc, không kể người Kinh, rất ít di chuyển xa. Có chăng cũng chỉ một ngày đường từ nhà đến chợ để đi chợ phiên mỗi tuần một lần, đi bộ hoặc đi ngựa. Hiếm hoi lắm họ mới di chuyển bằng xe công cộng. Đó cũng là thói quen từ bao đời nay, kể cả khi có con đường trải nhựa nối liền các ngọn núi cao.
Bởi thế, gặp ở các phiên chợ, du khách đừng ngạc nhiên khi biết họ đã đi bộ từ chiều hôm trước để kịp sáng sớm hôm sau tới chợ. Và chắc chắn rằng, lượt về cũng vậy. Phần lớn người dân ở đây đến chợ không nhằm mục đích chính là bán món hàng mình có hay mua thứ mình cần, mà đi chợ là một nét văn hóa rất đời thường.
Dulichgo
Tờ mờ sáng, khi sương còn giăng một khối dày đặc bao phủ cả núi rừng, đã nghe tiếng bước chân người đến chợ. Ngôi chợ im lìm suốt sáu ngày qua như chợt tỉnh giấc. Phụ nữ mang gùi, trong đó là mớ rau, mớ cải, thậm chí là gùi trên vai cái bàn, cái tủ to tướng vừa mới đóng xong còn thơm mùi gỗ mới… để đến chợ bán, rồi mua lại vài thứ cần thiết nhất. Có người đến chợ tay không, về cũng tay không. Chẳng bán mua gì, họ ngồi vào hàng rượu bắp, uống với những người xung quanh và chủ rượu. Có khi, khách và chủ cùng say. Khách quên trả tiền rượu. Chủ chẳng buồn đòi. Phiên chợ sau hoặc nhiều phiên sau đó, khách quay trở lại, có bao nhiêu trả bấy nhiêu, có khi món tiền ấy chẳng mua được mớ cải mèo ở chợ.
Những phiên chợ ở độ cao 1.500-2.000 mét so với mực nước biển, đón những người khách vén mây từ núi bước ra, nhóm đến trưa thì tan. Chợ tan, khách lại bước khuất sau đám mây, trở về với nương lúa, rẫy bắp. Chỉ còn lữ khách ở lại ngẩn ngơ sau những chiếc váy hoa sặc sỡ như cầu vồng của những cô gái xinh tươi giữa núi rừng.
Những bờ rào đá
Theo bước chân người dân bản địa về bản làng, lữ khách không khỏi ngỡ ngàng trước không gian cổ kính của những mái ngói rêu phong được bao bọc bởi bờ rào đá cao ngang ngực người và chiếc cổng gỗ đen cầu kỳ, cũ kỹ. Những mái nhà được xây dựng từ nhiều đời trước. Có nhà ngót nghét hơn một trăm năm. Mái nhà lợp ngói phủ rêu hằn nếp thời gian. Con người nương náu cùng thiên nhiên. Mùa đông rét mướt nên mái nhà cần đủ ấm để che chở cho mọi người. Người bản địa xưa lấy đất sét làm tường "đông ấm, hè mát". Để ngăn chặn thú dữ, họ lấy đá xung quanh nhà đầy góc cạnh, gồ ghề xếp thành tường rào vững chắc. Cùng với mái nhà, tường rào cũng phủ lên lớp rong rêu của ngày tháng dài. Đằng sau bờ rào đá ấy là những câu chuyện chờ lữ khách khám phá.
Người giàu, kẻ nghèo ở miền đá này đều giữ lại cái bếp nguyên bản trong nhà. Khi nấu nướng, khói bếp lan tỏa, ấm cúng. Trên gác bếp là những thứ gia vị, cây lá rừng và thịt trâu… ám khói để giữ lâu hơn. Trên mái nhà là bắp trái sau khi thu hoạch treo lên để dự trữ lương thực. Nhờ khói bếp mà bắp không bị sâu mọt, giữ nguyên quanh năm. Món ngon của người bản địa là thịt trâu gác bếp và rượu nếp nương, rượu bắp, gần như hiện diện quanh năm. Khách đến nhà lúc nào cũng có sẵn để thết đãi. Đêm đêm, ngoài bờ rào đá lại nghe có tiếng khèn môi réo rắt.
Dulichgo
Con trai từ bé đã được học thổi khèn môi. Thổi càng hay càng dễ lấy được vợ. Vì thế, tiếng khèn môi xuất hiện ở bờ rào đá nhà nào là biết nhà đó có con gái đang tuổi cặp kê và có người để ý. Họ biết nhau qua các phiên chợ, các cuộc chơi lễ hay bất chợt trên đường lên nương rẫy.
Nghe tiếng khèn, cô gái tung chăn ấm, đội lên chiếc khăn lẻn ra ngoài gặp bạn tình cho tới khi sương thấm ướt đẫm chiếc khăn mới trở vào. Khi không được đáp lại tình yêu, đêm đêm chàng trai đứng bên bờ rào đá réo rắt tiếng khèn đến khi thân đẫm sương đêm mới lóc cóc vó ngựa bỏ đi. Rồi hôm sau và nhiều ngày sau nữa lại tới, tiếng khèn càng réo rắt hơn làm nôn dạ người con gái. Réo rắt đến khi nào gặp mặt được mới thôi…
Câu chuyện của những phiên chợ, những mái nhà, bờ rào đá và tiếng khèn môi trở thành "đặc sản" mà bất cứ người nào đặt chân đến cao nguyên đá đều phải đi tìm. Những ngày nắng lạnh, lang thang trên cao nguyên này, ắt hẳn lữ khách phải dừng lại bên bờ rào đá và ước gì mình biết thổi khèn môi…
Theo Thành Nguyễn (Báo Cần Thơ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét