< Từ mốc 1378 nhìn sang mốc 1377.
Đã từng đứng ở địa đầu Sa Vĩ, nhìn về Biển Đông, nơi cửa sông Bắc Luân đổ ra biển, nhìn về phía cột mốc 1377 - 1378, những cột mốc cuối cùng trên đường biên giới Việt - Trung nhỏ nhoi giữa làn nước mênh mông... Trong muôn vàn những giấc mơ đi, đường tuần tra biên giới ở Bình Liêu, Quảng Ninh cứ len lỏi vào sâu thẳm trái tim và mỗi ngày qua lại càng thôi thúc phải lên đường.
< Bến thuyền trên đê Tràng Vỹ.
Hành trình gian nan
Trả lời câu hỏi của tôi, rằng, người dân có được phép đến thăm cột mốc 1378 khi có nhu cầu không, anh Hồ Văn Tông - đài trưởng Đài quan sát Tràng Vỹ, Đồn biên phòng Trà Cổ - cho biết về mặt nguyên tắc, người dân luôn có quyền đứng trên lãnh thổ nước mình. Nhưng tại khu vực biên giới có những nội quy riêng mà bất kỳ ai cũng phải tuân theo để đảm bảo an ninh.
< Đường chinh phục mốc giới 1378.
Dulichgo
Do tính chất địa lý, cột mốc dưới nước và cột mốc trên bờ lại rất khác nhau, đặc biệt là cột mốc 1378. Để đường đường chính chính ra thăm mốc, người dân yêu cầu phải được cấp phép từ Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ninh để được đồn biên phòng địa phương chịu trách nhiệm quản lý mốc sắp xếp thời gian, cử cán bộ chiến sỹ dẫn ra thăm mốc.
Nhóm tìm cách chinh phục 1378 của tôi hôm đó chỉ có 2 người. Sau khi liên hệ được với lái đò, chúng tôi đi bộ ngang qua trảng cát để tới đê Tràng Vỹ. Xa xa, cột mốc 1377 và 1378 đang vẫy gọi.
< Cận cảnh cột mốc thiêng liêng với những vạch sơn màu đỏ, vàng, đen.
Do cột mốc 1377 thuộc Trung Quốc nên dựa trên luật đi lại giữa hai quốc gia ở vùng biên giới, chúng tôi sẽ có cơ hội lại gần để “ngắm nhìn” chứ không thể lên mốc như 1378.
Dulichgo
1378 - Nơi dòng sông hòa với biển
Chưa đến nửa giờ đò máy, chúng tôi đã có mặt dưới chân cột mốc huyền thoại, cây cột mốc tròn to chắc hẳn đã được cắm sâu vào lòng đất, sơn 3 vạch màu đen, vàng, đỏ trên nền trắng. Cách không xa là mốc 1377 mà điểm dễ nhận biết để phân biệt với mốc 1378 là không có vạch sơn đen.
< Những bậc thang chênh vênh lên mốc.
Neo đò dưới chân mốc, cả hai cẩn trọng trèo lên những bậc thang chênh vênh không tay vịn, bước lên vọng cảnh đài. Vừa hồi hộp đến khó thở, vừa sung sướng đến lạ lùng. Trên đỉnh của mố trụ là một cột mốc đá hoa cương theo đúng hình mẫu của các cột mốc khác trên đất liền, cũng có hai mặt, mỗi bên đánh số và viết bằng ngôn ngữ quốc gia, sơn màu đỏ.
Chụp ảnh, "check-in", giấc mơ 1378 đến thật bất ngờ và trọn vẹn, tôi tự cấu vào tay mình để tin chắc rằng giây phút này không phải là một giấc mơ.
< Ghé thăm mốc giới 1377 thuộc quyền quản lý của Trung Quốc.
Xuống thuyền, người lái đò chỉ về phía nước láng giềng, bảo, hàng ngày anh vẫn đưa dân mình qua bãi đó cào ngao, có những con ngao to bằng cả bàn tay, nặng tới nửa ký. Nếu các em muốn khám phá cuộc sống của người Tràng Vỹ, hãy ở lại đây đêm nay, anh đưa đi. Nói rồi cười hiền lành, khuôn mặt đen nhẻm, những nếp nhăn dãi dầu sương gió. Người lái đò có lẽ không hình dung hết, nói có tý ngoa ngôn, rằng anh đã là một “bí mật để đời” của dân đi.
Chúng tôi quay lại bờ, hai cột mốc cô độc trên biển đang dần lùi xa. Tạm biệt nhé, 1378. Hãy ở lại giữa trùng khơi, kiên cường và trơ gan cùng tuế nguyệt, để đón chào những thế hệ “yêu mốc” tiếp tục ghé chơi.
< Mắc kẹt trong cát trên đường ra Cồn Mang.
Liệu có bao người sẽ đến và đánh thức niềm tự hào dân tộc nơi sâu thẳm trái tim, nghe hồn mình rưng rưng khi chạm tay vào cột mốc thiêng liêng của Tổ Quốc? Cây cột mốc duy nhất được cắm nơi dòng sông hòa mình vào với biển, trên hòn Dậu Gót, Móng Cái, Quảng Ninh.
Dulichgo
Bình yên cồn Mang
Sau khi ăn ké người lái đò một bữa cơm trưa, chúng tôi ngược xe về địa đầu Sa Vỹ, nơi được coi tượng trưng là điểm khởi đầu của chữ S Việt nam.
< Từ Cồn Mang nhìn ngược về bãi biển Trà Cổ.
Vừa mới đây thôi, mình còn đứng trên thuyền giơ tay chào mốc 1378 cao lớn và ngạo nghễ, mà bây giờ chỉ thấy như một chấm nhỏ đơn độc giữa đại dương mênh mang. Chúng tôi bị sa lầy trong cát trên đường ra Cồn Mang, phải mất khá nhiều thời gian và sức lực, mới tới được nơi mà theo dân gian truyền miệng vốn là nơi tình tự của ông bà ta trước đây, cứ tới rồi về là có “mang” (tức có “bầu”).
Người lái đò cười bảo, chắc tại ngày xưa nơi này kín đáo, rừng dương phủ kín bãi biển. Chứ bây giờ, nhìn hút tầm mắt vẫn không thấy điểm kết của bãi biển Trà Cổ. Nói rồi, lại che miệng cười, bảo có thể em chẳng tin...
< Người dân khai thác hà ở Cồn Mang.
Tôi chăm chú nhìn mấy người dân Tràng Vỹ đang khai thác hà trên cồn, mỗi người một chiếc búa nạy với một cái âu hoặc rổ nhỏ. Công cụ lao động đơn giản, chỉ việc tìm những con hà lớn phá vỡ lớp vỏ cứng của nó và tách phần thịt mang về.
Chăm chỉ mỗi ngày cũng kiếm được bữa canh, nhiều thì mang ra chợ bán. Sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ cát, mặt trời lấp loáng trên bãi đá xù xì những hà là hà. Lâu lắm rồi, lại có một chiều bình yên như thế ở vùng biên...
Theo THỦY TRẦN (Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét